Những quy tắc vàng để ghép nối font chữ trong thiết kế

Chọn lựa font chữ và kết cặp các font thế nào cho hợp lý (typography trong nghĩa hẹp của nó) có lẽ là một trong những vấn đề làm đau đầu nhiều dân đồ họa nhất bởi đó là một trong những yếu tố quyết định một thiết kế đẹp hay xấu. Để làm tốt việc này, nhà thiết kế cần có óc thẩm mỹ, kinh nghiệm, bản năng và nhiều nhiều thứ khác, phần lớn trong số đó thuộc về phạm trù năng khiếu. Tuy nhiên, một trong những thứ liên quan lại có thể dạy được, đó là các quy tắc và kỹ thuật kết cặp fontđược nhiều chuyên gia lấy làm kim chỉ nam. Với các quy tắc này, không chỉ anh em chuyên nghiệp, mà cả những người nghiệp dư tập tành chơi Photoshop hay thậm chí anh em văn phòng trình bày văn bản hoàn toàn có thể ứng dụng và làm cho tác phẩm của mình đẹp hơn.

Quy tắc 1: Chỉ dùng nhiều nhất 2 font, trong số ít trường hợp có thể dùng 3 font

Đây có lẽ là quy tắc phổ biến nhất giúp cải thiện hầu hết các thiết kế. Lý do giải thích cho nguyên tắc này là nếu bạn dùng nhiều hơn hai font, thiết kế của bạn thường sẽ trở nên thiếu rõ ràng, rối rắm và hỗn loạn. Trong khi nếu dùng hai font thôi, tính rõ ràng trong thiết kế của bạn sẽ giúp người đọc nắm bắt nội dung nhanh hơn và biết rõ mục nào chính mục nào phụ, hay cái nào cụ thể, cái nào tổng quan.
Cụ thể, với hai font, chúng ta nên dùng một font cho các tiêu đề chính, tiêu đề con, các đề mục nhỏ... trong khi font còn lại thường dược dùng cho phần nội dung (body), nên nhớ font body sẽ là font dùng cho phần lớn văn bản trong thiết kế của bạn.

Quy tắc 2: Hai loại font thường đi đôi cùng nhau: Serif và Sans Serif

Một trong những kỹ thuật giúp việc kết cặp font thành công đó là cho một anh serif đi cùng với một nàng sans serif. Nếu bạn không chắc “ai là ai” thì lưu ý là anh serif có “chân” (xem hình trên) trong khi nàng sans serif thì không.

3197415_serifsansserif.jpg

Ở ví dụ trên, Georgia là một font serif và Helvetica Neue thuộc loại sans serif. Sự kết đôi giữa hai cặp font này sẽ khiến bản thiết kế của bạn trở nên đẹp hơn, lý do là bởi chúng đủ khác để giúp người đọc phân biệt tiêu đè và nội dung cụ thể với nhau. Khi dùng cặp đôi này, bởi đặc điểm của loại serif giúp người đọc dễ theo dõi các đoạn block văn bản dài, serif thường phải “lao động cực nhọc” hơn (coi nó là đàn ông cho dễ nhớ!) lo đảm nhiệm phần nội dung (body). Trong khi nàng sans serif sẽ lãnh nhận các phần tiêu đề/đầu đề.

Quy tắc 3: Không nên chọn các font quá giống nhau

Một quy tắc khác nên nhớ là không nên chọn các font quá giống nhau. Đứng ở góc độ người đọc tất nhiên bạn sẽ không muốn người thiết kế/trình bày bắt bạn phải căng mắt ra để phân biệt sự khác nhau giữa hai loại font phải không? Việc đó sẽ phá vỡ tính rõ ràng và hạn chế người đọc tiếp cận nội dung trình bày do người đọc không thể lướt nhanh nắm tổng quan văn bản của toàn bộ thiết kế được.
3197414_fontdifference.jpg

Trong ví dụ trên, như các bạn thấy font Palatino và Times New Roman khá giống nhau, nếu nhìn từ xa các bạn sẽ khó phân biệt chúng. Trái lại, chỉ nhìn lướt qua thôi bạn đã thấy sự khác biệt rõ ràng giữa Palatino và Century Gothic ở phía phải bức hình trên.

Đối với những người đã quen với các font chữ thì tốt nhất là không nên chọn các font trong cùng một họ. Ví dụ, bạn sẽ không muốn cùng sử dụng hai font họ slab serif như Arvo và Clarendon (hình dưới, trái là Arvo, phải là Clarendon) bởi lẽ sự giống nhau trong dạng “chân” (serif) của chúng (do cùng một họ slab serif). Lời khuyên này cũng được áp dụng đối với việc chọn các font có cùng độ mảnh, độ đậm nhạt, hay là cùng kiểu chữ viết.

3197423_arvo-clarendon-1.jpg


Quy tắc 4: Kiểm tra x-height của các font và đảm bảo chúng tương thích với nhau

X-height của font chính là độ cao giữa phần dưới và phần trên của chữ viết thường (ví dụ như chữ a, o, u, c, …) mà không tính phần kéo dài xuống dưới (như ở các chữ như p, q...) hay phần mở rộng lên trên (như ở các chữ h, k, t, d, …). Theo quy tắc này, x-height của các font bạn chọn phải tương thích với nhau, tức chúng phải không quá khác nhau về lượng và hiệu ứng tác động lên thị giác. Nhìn chung, các font có x-height tương thích phải khiến cho văn bản trở nên rõ ràng hơn.

3197417_xheight.jpg

Trong thực tế, cách dễ dàng nhất để áp dụng quy tắc trên là chồng chập hai font mà bạn chọn tại cùng một kích thước ký tự (cùng số point chữ) (xem hình), nếu x-height của chúng bằng nhau thì có thể xem là ổn. Trong hình trên, các bạn sẽ thấy cặp Georgia và Impact không phải là một đôi đẹp bởi x-height khác nhau. Trong khi đó, bên phía phải, Arvo và Helvetica Neue cho chúng ta một hiệu ứng thị giác tốt hơn, thoải mái hơn, và dễ nhìn hơn nhiều.

Quy tắc 5: Cố gắng tăng độ tương phản giữa các font

Thông thường các bạn có thể tăng độ tương phản giữa hai font bằng cách chọn một font đậm và tối (dark and heavy) sẵn trong khi font kia dạng bình thường. Khi áp dụng lên văn bản, font đậm sẽ được dùng cho phần tiêu đề và font bình thường cho phần nội dung cụ thể, đó là một cách thực hành tốt hơn cả.

Hãy sử dụng ví dụ về x-height ở trên. Impact là một font đậm trong khi Georgia là một font bình thường. Việc kết đôi chúng nếu xét theo tiêu chuẩn này thì có thể được coi là tốt (giả dụ rằng x-height của chúng giống nhau), Impact sẽ được dùng làm font tiêu đề trong khi Georgia sẽ đảm nhận phần nội dung. Trong khi nếu xét hai font bên phải, Helvetica Neue và Arvo, dù tương hợp về x-height, đáng tiếc thay chúng lại quá giống nhau về độ dày, đậm, và tối. Do vậy nếu xét chung hai tiêu chuẩn thì không có bộ đôi nào trong hai bộ này sẽ được dùng trong thiết kế chính quy.
Kết

Như vậy, chúng ta có 5 quy tắc sau:

1. Nên dùng nhiều nhất hai font, trong số ít trường hợp có thể cho phép dùng 3 font.
2. Nên kết cặp font Serif và Sans Serif cùng nhau
3. Đừng chọn các font quá giống nhau về kiểu chân chữ, độ đậm nhạt, kiểu chữ viết...
4. Nên chọn các font có x-height tương thích, dễ nhất là chọn x-height bằng nhau.
5. Cố gắng tăng độ tương phản giữa các font.
Trong khi những quy tắc trên có thể giúp cải thiện việc chọn lựa font của bạn trong thiết kế thì cũng không thừa khi nhắc lại rằng quy tắc tối tổng quát nhất đó chính là làm sao cho thiết kế đạt được mức độ rõ ràng nhất định, thế là đủ. Một trong những cách kiểm tra nhanh là sao chép một đoạn văn nào đó trong bài của bạn có cả phần tiêu đề và nội dung cụ thể sau đó nhờ một người quen (nếu là dân đồ họa càng tốt) xem giúp. Sau khi họ đọc xong hãy hỏi họ những câu hỏi kiểu như “bạn có đọc chúng dễ không?”, “có phải căng mắt đọc không?”, “bạn có thể nói cho tôi biết sự khác nhau giữa hai font trong bài không”, v.v... Nhờ vậy, bạn sẽ đưa ra quyết định cuối cùng cho thiết kế của mình chính xác hơn, bởi xét cho cùng, độc giả chính là người đóng vai trò quyết định cho sự thành công của thiết kế của bạn.

Sưu tầm
 

Đính kèm

  • font-chu.jpg
    font-chu.jpg
    143 KB · Lượt xem: 26
  • Thẻ Thẻ
    design font font chữ quy tắc design thiết kế
  • Bình luận mới

    DesignerVN là chuyên trang cung cấp thông tin dành cho cộng đồng Designer, nhà thiết kế Việt Nam. Thư viện font chữ, tài nguyên thiết kế đa dạng.
    Back
    Bên trên