NHIỀU, ÍT & NGHỆ THUẬT

  • Bắt đầu Bắt đầu NhiNhiNho2013
  • Ngày bắt đầu Ngày bắt đầu
  • Lượt xem 8,342
Nghệ thuật của Picasso những năm 1950, 1960 và đầu 1970 không có được những đỉnh cao có thể so sánh với “Các cô nàng ở Avignon” (1907) hay “Guernica” (1937). Tách rời đời sống nghệ thuật hiện đại, tác phẩm của nhà nghệ sĩ già Picasso không còn chứa đựng những cải biến mới mang tính nguyên lý mà thiên về phép giản ước, biến đổi các môtíp và thủ pháp cũ. Với tên tuổi tiếng tăm, tác phẩm của Picasso tuy vẫn có sức thu hút nhất định, nhưng đã không còn làm người xem thực sự xao xuyến tâm hồn nữa.
1. Picasso

Chiến tranh Thế giới II kết thúc được xem như là một cái mốc quan trọng mà các chuyên gia về Picasso luôn luôn nhằm đến với những ý kiến rất khác nhau.

Nghệ thuật của Picasso những năm 1950, 1960 và đầu 1970 không có được những đỉnh cao có thể so sánh với “Các cô nàng ở Avignon” (1907) hay “Guernica” (1937). Tách rời đời sống nghệ thuật hiện đại, tác phẩm của nhà nghệ sĩ già Picasso không còn chứa đựng những cải biến mới mang tính nguyên lý mà thiên về phép giản ước, biến đổi các môtíp và thủ pháp cũ. Với tên tuổi tiếng tăm, tác phẩm của Picasso tuy vẫn có sức thu hút nhất định, nhưng đã không còn làm người xem thực sự xao xuyến tâm hồn nữa.

Đó chính là sự đánh giá phổ biến trong những năm 1970. Các cuộc triển lãm lớn về Picasso ở Basel (1981), New York (1984), Paris (1988)... đã minh họa tương đối đầy đủ một giai đoạn sắp kết thúc của nhà nghệ sĩ, và cho thấy, những tư tưởng nghệ thuật mới phù hợp với xu hướng chung của hội họa đương đại.

Điều đáng kinh ngạc khi người ta làm quen với những tác phẩm của Picasso ở giai đoạn này là tính phong phú khó tưởng tượng nổi và sức sáng tạo lâu bền của nhà nghệ sĩ. Thậm chí khi đã 90 tuổi (1970), Picasso vẫn duy trì công việc với nỗi khó nhọc kỳ lạ. Ông nói: “Tôi còn ngày càng ít thời gian trong khi cần phải phát biểu ngày càng nhiều”. Sau khi ông chết (1973), trong xưởng vẽ đầy ắp 1.876 tranh sơn dầu, 1.355 bức tượng, 2.880 đồ gốm thủ công, 18.000 tranh khắc, 7.089 hình nghiên cứu và 149 cuốn sổ với 4.659 hình vẽ. Một phần đáng kể của di sản to lớn này được hoàn thành trong những năm 1960 đầu 1970.

2. Bùi Xuân Phái

Ngay sau khi Picasso chết, Bùi Xuân Phái đã viết trong cuốn sổ “nhật ký nghệ thuật” của ông:

“Picasso đã sáng tác khoảng 25.000 bức tranh (gạch dưới trong nguyên bản - Q.V), để lại gia tài trị giá 5 tỷ phrăng(1). Đó là một cái gương lớn về lao động nghệ thuật. Chúng ta đã làm được bao nhiêu?”

Cũng trong cuốn sổ nhật ký ấy, Bùi Xuân Phái nêu cao một “khẩu hiệu”:

“Những họa sĩ lớn làm việc nhiều vô kể. Không thể có một họa sĩ làm việc lơ mơ mà lại có tài năng lớn bao giờ cả”.

Bùi Xuân Phái còn viết:

“Một đời người nghệ sĩ không lấy gì làm dài lắm, phần lớn không thọ lắm thì phải [Toulouse - Lautrec, Modigliani]. ở Việt Nam đời anh nghệ sĩ họa không dài, phần lớn thì giờ anh ta phải làm thì than ôi không lấy gì làm đáng kể. Nó không dính dáng gì đến công việc sáng tác tác phẩm. Phần đông họa sĩ Việt Nam không có nhiều tác phẩm để lại [Tô Ngọc Vân chẳng hạn]. Đó là một điều đáng buồn!”.

Tuy nhiên: “Phải nhận trong nghệ thuật - Bùi Xuân Phái viết tiếp - có nhiều cái khó, rất khó. Khi mà thấy nghệ thuật dễ dãi thì chính là anh đang đi trên con đường mòn, đang làm lại một cái gì quen thuộc, cũ rích, kém suy nghĩ, tìm tòi, nghiên cứu...

Phải luôn luôn nâng cao mình lên, phải có nhiều vốn. Phải đáp ứng được yêu cầu cao của xã hội. Không phải như làm cái bánh phục vụ người ăn xong rồi tiêu đi mà người ăn cũng không cần biết là ai làm bánh. Còn nghệ thuật thì trách nhiệm rõ hơn. Không thể thế nào xong thôi! Không thể chỉ đạt kết quả là lấy được... tiền!

Không. Phải đặt tài năng của anh vào đó. Nếu không có tài thì đừng háo danh háo lợi. Phải trân trọng với công việc anh làm, dù là nhỏ bé.”

Một đoạn khác, Bùi Xuân Phái viết:

“Phải trân trọng với việc anh làm dù là nhỏ bé... thí dụ như vẽ một cái vignette chẳng hạn. Lương tâm nghề nghiệp là ở chỗ đó. Đừng làm ẩu, làm dối. Đôi khi còn đem cái lạ, cái ‘mới’ dễ dãi ra để trộ đời! Làm như mình là tài năng, là người đi đầu về nghệ thuật mới! Nghệ thuật hiện đại!

Không, ông bạn hỡi, ông không trộ nổi thời đại đâu! Biết bao nhiêu người am hiểu nghệ thuật mà ít người biết tới. Không phải là những ‘ông’ đi đặt tranh, những ‘ông’ duyệt tranh, những ‘ông’ trả tiền đều là những người am hiểu nghệ thuật! Có thể có một hai người và đó là một cái may mắn cho người nghệ sĩ thật sự.

Xưa nay như ta thấy, những nghệ sĩ giả, sống lại lắm tiền hơn những nghệ sĩ thực! Đó là một điều mỉa mai!

Người nghệ sĩ sống có lý tưởng của họ. Không phải họ vẽ là chỉ vì đồng tiền. Đừng ai nhầm là họ cũng vì tiền như ai, chẳng qua là ‘kém tài’ nên phải nghèo! Không, chính họ hơn những kẻ vì tiền ở chỗ họ nghèo. Họ không bán nổi tranh. Kẻ có tiền chê tranh họ xấu và họ mỉm cười trước cuộc sống buôn bán. Họ hiểu rằng đã đi vào con đường nghệ thuật thì phải thế nào rồi, thiếu thốn, nghèo túng... còn nhiều gian khổ sóng gió hơn thế nữa.

Những con cháu, những người đời sau sẽ quý họ, sẽ nâng niu những tác phẩm họ để lại. Ngay trong thời đại họ còn sống, vẫn có một số người am hiểu, quý họ, bằng một thái độ kính trọng khi nhắc đến họ”...

Một đoạn khác nữa:

“Phải làm việc. Không thể ngụy biện bằng những lời nghe ‘có vẻ’ của những tay tưởng như tài năng quyết định tất cả. Mà thật sự ông có tài không chứ, vả lại những cái gì đi với tài năng nữa chứ. ít làm việc thì tài năng - thì cứ cho là ông bạn có tài đi nữa, sẽ cùn đi, và lúc bấy giờ ông vẽ kém hẳn đi. Ông muốn cầu cứu tài năng ư? Nó không đủ sức giúp ông nữa rồi!

Phải làm việc mà làm việc liên tục. Chỉ có cách đó mới giữ được tài năng và phát triển nó lên. Không phải chỉ hiểu biết đơn thuần là làm được, biết mà vẫn không làm nổi đấy vì có rèn luyện gì đâu. Cứ ngắm cái ông thợ mộc giỏi kia, sao ông ấy bào dễ thế, tưởng chừng như mình cũng làm được. ấy thế thử đưa cái bào cho mình bào xem sao?

Vấn đề nghệ thuật còn khó hơn nhiều. Chính vì thế vấn đề rèn luyện, vấn đề làm việc đòi hỏi rất cần thiết. Không thể coi thường được”...

Về Bùi Xuân Phái, Nguyễn Tư Nghiêm nói: “Bùi Xuân Phái có phong cách, có bản lĩnh, không được ‘rộng’, nhưng cũng có thay đổi. Nếu cứ đòi hỏi nhiều cái khác nữa ở Phái thì không thành Phái được. Nhắc đến ‘phố cổ’, ‘chèo’ thì phải nhắc đến ai khác ngoài Bùi Xuân Phái?”...

Bùi Xuân Phái vẽ nhiều vô kể phố cổ, phong cảnh (nông thôn, miền núi), biển, Cửa hàng tranh in , chân dung, tĩnh vật, Cửa hàng tranh độc bản, các nhân vật sân khấu chèo. Tranh Bùi Xuân Phái chủ yếu là sơn dầu, bột màu, khuôn khổ thậm chí thường nhỏ hơn rất nhiều so với khổ tiêu chuẩn tối thiểu (F.1, P.1, M.1).

Với tâm trạng nặng u hoài, Bùi Xuân Phái luôn luôn lấy quá khứ làm nguồn cảm hứng chủ đạo Nghệ thuật độc bản. Song, những bộ tranh minh họa của ông, đặc biệt minh họa cho tuần báo “Văn Nghệ”, có thể nói, chính là những ô cửa sổ mở vô cùng đẹp đẽ và tràn trề lạc quan nhìn ra cuộc sống thực tại (giống như Nguyễn Gia Trí minh họa cho các tờ “Phong hóa”, “Ngày nay” những năm 1930).

3. Nguyễn Sáng, Nguyễn Tư Nghiêm

Với Nguyễn Sáng, như chính ông nói: “Vẽ là thở”. Nguyễn Sáng đã từng vẽ rất nhiều, vẽ tranh to, phác thảo bằng phấn, thậm chí hàng chục bức trên cùng một mặt nền, trên sàn nhà, có bức rất đẹp nhưng không thực hiện hết được.

Trên thực tế, Nguyễn Sáng đã vượt qua cái eo hẹp của hoàn cảnh, của phương tiện, của số phận bằng một sự sáng suốt lạ thường.

Giản lược giỏi bất cứ gì và không bị sa vào những vấn đề nan giải của kỹ thuật, nghệ thuật Nguyễn Sáng đã đạt tới những đỉnh cao của sự thanh thản, mà ở đó, ông đã hòa giải được một cách hoàn hảo cả hai truyền thống, hai tâm tính hội họa phương Đông và phương Tây.

Các bộ tranh “Kiều”, “Gióng”, “Múa cổ” và đặc biệt “Con giống” đã đưa Nguyễn Tư Nghiêm trở thành nhà cách tân nghệ thuật số 1 của Việt Nam, đồng thời cũng đã đưa ông trở thành một trong những nghệ sĩ sáng tạo có sản lượng lớn nhất trong vòng 50 năm trở lại đây.

4. Một số họa sĩ có ưu thế “trực họa”

Họ là những họa sĩ đa năng, thành thục hầu hết các chất liệu vẽ. Song ở họ, số lượng và chất lượng tranh “trực họa” (tranh giấy), có thể nói, là rất đáng kể và đáng nể.

Đã có một thời, chúng ta phạm phải một “sai lầm” của thứ tư duy máy móc (kiểu Nga - Xôviết), khi quy tất cả những gì ngoài phạm vi sơn dầu, sơn mài, lụa - vào cái lĩnh vực được gọi chung là “đồ họa”.

“Tranh trực họa”, hay hẹp hơn: “Tranh - ký họa”, là một trong những sáng tạo lớn của nền mỹ thuật Việt Nam, đặc biệt ở thời kỳ cách mạng kháng chiến. Nó ở giữa “hội họa” và “đồ họa”, mang tính trung dung.

Rất nhiều “tranh trực họa” (hoặc bằng ba bút chì, hoặc than, chì than, bút sắt, hoặc sanguine, phấn màu, hoặc thuốc nước, bột màu, mực nho) của một số họa sĩ như Nguyễn Nam Sơn (phong cảnh, thôn nữ, sư sãi), Tô Ngọc Vân, Trần Văn Cẩn, Nguyễn Đỗ Cung (bộ tranh Liên khu V, 1947), Lưu Văn Sìn (người và cảnh miền núi phía Bắc), Nguyễn Tiến Chung (nông thôn, nông dân), Lương Xuân Nhị, Tạ Thúc Bình, Quang Phòng (nông thôn cũ, chiến trận), Dương Bích Liên, Phan Thông, Lưu Công Nhân (600 tranh thuốc nước), Huỳnh Phương Đông (chiến trận), Quang Thọ (chiến trận), Nguyễn Thanh Châu (chiến trận)... - là những tác phẩm thực sự bậc thầy và độc lập.

5. Các họa sĩ dành nhiều tâm huyết hoặc chỉ chuyên vào một chất liệu

Quả thực, ở nước ta, có những “bậc thầy” có quá ít tác phẩm (khoảng dăm bảy bức). Và hẳn nhiên điều này đã làm cho vị trí của họ ngày càng trở nên khá chênh vênh.

Ngược lại, với một số lượng tác phẩm lớn hoặc đủ lớn, đầy đặn - một số bậc thầy khác và một số họa sĩ đã tạo được cho mình những phong cách, những bút pháp, những lối đi riêng biệt và vững chắc.

Lụa: Nguyễn Phan Chánh (sinh hoạt), Trần Duy (phong cảnh, di tích cổ, thảo mộc), Mai Long (người và cảnh miền núi Tây Bắc, Đông Bắc), Nguyễn Thụ (người và cảnh vùng cao), Vũ Giáng Hương (bộ tranh Đường Trường Sơn), Kim Bạch (chân dung, tĩnh vật)...

Sơn mài: Nguyễn Gia Trí, Nguyễn Khang, Lê Quốc Lộc, Hoàng Trầm, Nguyễn Thế Vinh (bộ tranh Tây Nguyên), Hồ Hữu Thủ, Thành Chương (tự họa và mục đồng), Lê Trí Dũng, Đào Minh Tri...

Sơn dầu: Tô Ngọc Vân (thực đáng tiếc là các tác phẩm sơn dầu của Tô Ngọc Vân từ 1945 trở về trước khá nhiều nhưng hầu hết đã bị mất hoặc bị thất lạc), Nguyễn Trọng Kiệm, Bửu Chỉ, Nguyễn Trung, Lê Huy Tiếp, Lê Anh Vân, Lê Thanh Minh, Nguyễn Trung Tín, Lim Khim Katy...

Tranh khắc: Huỳnh Văn Thuận, Trần Đình Thọ, Phạm Văn Đôn, Nguyễn Trọng Hợp, Thái Hà, Đường Ngọc Cảnh (tĩnh vật, phong cảnh), Tú Duyên, Nguyệt Nga (phong cảnh, sinh hoạt), Trần Nguyên Đán, Trần Khánh Chương, Đỗ Đức (sinh hoạt dân tộc thiếu số), Đinh Lực, Mai Anh, Nguyễn Đức Hòa, Đặng Bích Ngân...

Bột màu: Văn Giáo (bộ tranh về Bác Hồ và phong cảnh), Trần Lưu Hậu (Trần Lưu Hậu gần đây chủ yếu vẽ acrylic và sơn dầu), Phạm Viết Hồng Lam (phong cảnh nông thôn đồng bằng Bắc Bộ)...

6. Phụ lục

Thế giới:

- Các họa sĩ để lại ít tác phẩm: Leonardo da Vinci 15, Georges de la Tour 20, Vermeer 40, Durer 70, Le Titien 140, Raphael 200.

- Các họa sĩ để lại nhiều tác phẩm: Rembrandt 650 tranh sơn dầu, 300 khắc axít, 2.000 hình họa (nhưng còn gây nhiều tranh cãi) Toulouse-Lautrec 737 sơn dầu, 275 thuốc nước, 4.790 hình họa, in đá và ký họa Van Gogh 817 sơn dầu Rubens 2.500 (500 có thể không đích thực) Corot 4.000 Renoir 6.000.

Picasso: 13.500 tranh tấm (tableaux) và hình họa, 100.000 in đá và khắc, 34.000 minh họa, 300 điêu khắc và gốm (2).

Việt Nam:

Trần Văn Cẩn (họa sĩ toàn năng): 25 sơn dầu, 11 sơn mài, 17 lụa, 8 khắc gỗ, 6 tranh cổ động, 112 ký họa - nghiên cứu - phác thảo (3).

Ngày 4 tháng 3 năm 2011

QUANG VIỆT

1. Đúng ra là 6 tỷ phrăng.

2. Con số thống kê tổng các tác phẩm của Picasso gồm nhiều nguồn khác nhau và thường không đồng nhất.

3. Thống kê của chính họa sĩ trong sách “Trần Văn Cẩn”, NXB Văn hóa 1984. Trên thực tế, một số tác phẩm trong số này đã bị mất, bị thất lạc hoặc hư hỏng.
 

Bình luận mới

DesignerVN là chuyên trang cung cấp thông tin dành cho cộng đồng Designer, nhà thiết kế Việt Nam. Thư viện font chữ, tài nguyên thiết kế đa dạng.
Back
Bên trên